Vào những ngày cận Tết là "được" nghe biết bao nhiêu bài hát về mùa xuân, ngày Tết. Hôm nay, những bản nhạc đó vẫn còn đó, không thể quên, không thể thay thế cho dù thế hệ sau này vẫn có những nhạc sỹ "lừng danh" nhưng chưa có bài nào để lại trong lòng người như nhưng bài hát về mùa xuân, ngày Tết mà mẹ đã từng nghe
Minh chứng một điều, cứ dạo quanh vòng đất Sài gòn ta sẽ nghe những bài hát về mùa Xuân của thế hệ trước từ một căn nhà nhỏ nào đó trong hẻm sâu, quán cafe ven đường và cho đến các trung tâm mua sắm hiện đại.
Và có lẽ, từ thế hệ 8x cũng ít ai biết đến ban nhạc AVT. Tên
của một ban tam ca trào phúng đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất
mượn giai điệu ngũ cung, những ca khúc, bài lý, dân ca, bài chồi để viết lời mới
châm biếm, mỉa mai những cảnh tượng gai mắt, chướng tai trong cuộc sống.
AVT - Ban nhạc một thời
AVT nổi tiếng và được khán thính giả trên mọi miền đất nước yêu
mến. Những lời ca dí dỏm trong nhạc phẩm do AVT trình bày mang lại niềm vui cho
khán thính giả suốt nhiều thập niên. Chúng đã đóng góp khá nhiều những giá trị
tinh thần trong kho tàng văn hóa dân gian dù ca khúc được AVT thể hiện sử dụng
nhiều từ loại văn chương truyền khẩu rất phổ thông ở miền bắc thời đó.
Ban đầu, tam ca AVT gồm: Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng chuyên
thể hiện những ca khúc vui nhộn. Họ lấy 3 chữ đầu của tên mình để ghép lại
thành AVT để đặt tên. Người đứng ra thành lập ban AVT chính là nhạc sĩ Anh
Linh. Nhạc sĩ Lữ Liên giai đoạn này là người sáng tác các ca khúc cho nhóm AVT.
Ông đã trích một đoạn trong bản Thất nghiệp ca, đặt tên là Tam nghiệp, mô tả 3
anh thợ nhuộm, thợ sửa khóa và thầy bói để AVT biểu diễn.
Lập tức tính hài hước pha với diễn xuất, lại có ưu thế vừa đàn,
vừa ca, vừa châm biếm duyên dáng, AVT nổi bật từ ngày có bàn tay “phù phép” của
nhạc sĩ Lữ Liên. Giai đoạn này ông đã cho ra đời những ca khúc: Chúc xuân, Vòng
quanh chợ tết, Tiên Sài Gòn, Gái trai thời đại, Lịch sử mái tóc huyền, Mảnh
bằng, Ba ông bố vợ…
Soạn giả NSND Viễn Châu kể: “Lệnh bắt quân dịch đã khiến nhóm AVT
mất đi Anh Linh. Năm 1962 nhạc sĩ Lữ Liên chính thức gia nhập nhóm, sau một
thời gian Hoàng Hải thay thế nhưng không trụ vững. Để thay đổi khẩu vị, nhạc
phẩm Tam nghiệp của anh Lữ Liên được sửa đổi đôi chút với những nghề thợ sửa xe
máy (do Lữ Liên ca), nghề giác hơi tẩm quất (do Vân Sơn ca) và nghề thợ mộc (do
Tuấn Đăng ca). Nếu bài vọng cổ hài của tôi ứng biến với âm nhạc ngũ cung, thì
âm điệu cổ truyền bắc bộ với ca trù, hát khách, ả đào, chầu văn…đã được nhạc sĩ
Lữ Liên đưa vào rất dí dỏm và mang tính trào phúng sống động"
Theo NSND Viễn Châu, lời ca trong sáng tác của nhạc sĩ Lữ Liên đã
khái quát được hoàn cảnh xã hội thời đó. Những nhạc phẩm trào phúng, sát với
đời sống thường ngày trong xã hội của AVT lên án mạnh mẽ những thói trăng hoa,
dỏm đời, học đua đòi... Cách châm biếm đó nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt
của khán giả. Sau thời gian này, Lữ Liên lại sáng tác cho AVT một số bài hát:
Ông nội trợ, Trắng đen, Dậy thì, Trâu ơi ta bảo này, Ba bà mẹ chồng, Cờ người,
Em tập vespa…. Tất cả những ca khúc này đã đưa tên tuổi AVT lên đỉnh cao nghệ
thuật.
Từ năm 1960 - 1964, nhóm AVT đã được 2 hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt
Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc. Nhóm đắt show diễn ở các phòng trà ca nhạc và vũ
trường lớn của Sài Gòn như: Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai…Sau ngày miền nam
thống nhất, nhạc sĩ Lữ Liên sang Mỹ định cư cùng các con.
Lúc này ca sĩ Khánh Hà đã lập trung tâm sản xuất băng nhạc,
nên nhạc sĩ Lữ Liên đã tái lập lại nhóm ATV để thực hiện việc ghi âm và thi thoảng
biểu diễn tại Mỹ, Úc. Trải qua nhiều biến đổi, năm 1988 nhóm có thêm sự tham
gia của nữ nghệ sĩ Thúy Liệu khi sang Úc biểu diễn, đến năm 1992, AVT có thêm
nhạc sĩ Hoàng Long. Năm 1994, vào dịp hát tết nhóm AVT đã ra mắt một loạt ca
khúc mà nhạc sĩ Lữ Liên dựa theo áng thơ của nữ sĩ Hồ Xuân hương để sáng tác,
châm biếm thói thích ong bướm, trăng hoa của những kẻ háo sắc. Lúc này ông đã
trình diễn cùng hai nữ nghệ sĩ Thúy Lan và Thúy Hương, tạo dấu ấn cuối đời với
nhạc phẩm Đánh đu. (sưu tầm)