Cách chọn mua, lắp đặt và sử dụng đúng cách máy lạnh

Wednesday, September 17, 2014

Tưởng chừng, công việc chọn mua 1 cái máy lạnh về gắn trong phòng hay trong nhà là điều đơn giản. Nhưng thật sự nó không phải vậy nếu như ta không có 1 khái niệm nào về việc mua & lắp cái máy lạnh.
Thông thường, nếu không biết không rành thì ta thường "trao thân" cho người bán, anh nhân viên tư vấn cửa hàng. Chỉ cần cái "tâm" lệch pha 1 chút để bán được hàng hay đạt được doanh số thì người bán hay anh NV tư vấn sẽ mang lại cho ta sự "bực dọc" không đáng có sau khi mua & lắp đặt. Vậy sao ta không tự trang bị 1 chút kiến thức để tìm sự thoải mái sau khi mua & lắp đặt thành công. Việc còn lại ta chỉ tận hưởng không khí mát mẻ trong lành do chiếc máy lạnh mang lại, và nhất chính nó là sự lựa chọn & quyết định của ta.
Chọn công suất máy lạnh như thế nào cho phù hợp?
Đây là điều băn khoăn mà ai cũng gặp phải khi bắt đầu chọn mua máy lạnh & nhất là lần đầu tiên làm việc này: chọn máy lạnh như thế nào cho phù hợp với căn phòng của mình?
Công suất máy lạnh phụ thuộc vào thể tích không gian cần làm lạnh. Theo kinh nghiệm thực tế, công suất máy lạnh là 1 HP (sức ngựa) hay 9000BTu có thể làm lạnh hiệu quả cho căn phòng 35-45m khối. Như vậy căn phòng có kích thước 3 x 4 x 3.5m = 42m khối có thể chọn máy lạnh loại 9000BTu. Phòng có kích thước 4 x 5 x 3.5m = 70m khối chọn máy lạnh 12000 - 18000BTu. Phòng lớn hơn thì chọn loại khỏe hơn, hoặc có thể lắp 2 cái nhỏ để phân tán hơi lạnh đồng đều hơn cho các vùng.
Chú ý là công suất máy lạnh cần thiết cho 1 phòng còn bị ảnh hưởng khá nhiều yếu tố khác như: chất liệu vật liệu xây dựng, độ dày của bức tường, nguồn nhiệt hay ánh nắng trực tiếp tác động đến căn phòng, cửa kính có rèm dày hay mỏng v.v. Nếu có các yếu tố làm tăng nhiệt ta nên cộng thêm 3000-6000BTu cho công suất, thà công suất lớn hơn 1 chút con hơn thiếu hụt. Đừng bao giờ chọn máy lạnh thiếu công suất so với thể tích hay nhu cầu sử dụng. Chính nhiệt độ không đủ lạnh sẽ khiến máy hoạt động liên tục, dẫn tới hao điện, nóng máy & độ bền của máy giảm. Chọn công suất hơi dư, số tiền đầu tư ban đầu có thể hơi cao, nhưng được lợi là máy mạnh, thời gian làm lạnh nhanh và khi đủ độ lạnh thì sẽ tự động ngưng hoạt động. Máy dư công suất so với nhu cầu của thì máy có nhiều thời gian nghỉ, giúp máy có độ bền cao và cũng không hao điện so với máy chạy liên tục.
Công nghệ Inverter có tiết kiệm điện?
Với máy lạnh thông thường, động cơ máy nén sẽ luôn chạy ở tốc độ không đổi cho đến khi nhiệt độ trong phòng đạt mong muốn sẽ chuyển sang tắt hẳn. Máy nén sẽ khởi động lại & chạy tiếp khi nhiệt độ trong phòng tăng lên lớn hơn nhiệt độ mong muốn. Do đó, máy nén của máy lạnh thường phải khởi động chạy - dừng liên tục để ổn định nhiệt độ, quá trình đóng ngắt này khá tốn điện. Còn máy có Inverter sử dụng mạch điều chỉnh tần số nhằm điều chỉnh số vòng quay nhanh chậm của máy nén, mà không cần đóng ngắt hay khởi động lại máy nén trong suốt quá trình vận hành.
Khi khởi động, máy nén của điều hòa có Inverter chạy khá chậm giúp làm giảm lượng điện tiêu thụ. Sau đó tốc độ vòng quay của máy nén tăng rất nhanh để đạt được nhiệt độ mong muốn & nó lại quay ở tốc độ chậm hơn để duy trì nhiệt độ trong phòng ổ định.
Theo quảng cáo máy lạnh Inverter tiết kiệm 50 đến 60% lượng điện tiêu thụ so với loại không có Inverter. Nhưng thực tế nó chỉ tiết kiệm 10 đến 30% điện năng tùy theo điều kiện sử dụng (diện tích phòng, nhiệt độ cài đặt, hướng nhà...). Khả năng tiết kiệm điện của máy inverter sẽ tốt nhất khi máy chạy trong điều kiện liên gần như liên tục 24/24. Công nghệ này phù hợp với những nơi thường xuyên mở máy lạnh như: công ty, nhà hàng, khách sạn...Khi sử dụng ở nhà, thời gian sử dụng ngắn hoặc chỏ khoảng 5-6 tiếng ban đêm thì ta có thể sử dụng máy lạnh thường mà không nhất thiết phải có Inverter. Nếu phòng không kín, cách nhiệt không tốt, cửa ra vô đóng mở nhiều thì dùng máy lạnh có Inverter cũng không thể tiết kiệm điện.
Vị trí lắp đặt cho dàn nóng, dàn lạnh hợp lý.
Dàn lạnh nên bố trí ở vị trí phù hợp với thiết kế nội thất của phòng đảm bảo việc phân phối hơi lạnh được đồng đều. Ngoài ra, khi lắp dàn lạnh cũng chú ý cho việc vệ sinh & bảo trì thuận tiện về sau. Không nên lắp dàn lạnh trên hoặc gần các thiết bị điện tử đắt tiền vì đôi khi trục trặc dàn lạnh bị nhỏ nước.
Vị trí lắp đặt dàn nóng bên ngoài phải tuân thủ về khoảng cách & chênh lệch độ cao giữa dàn nóng & dàn lạnh trong giới hạn cho phép của nhà sản xuất. Dàn nóng phải được đặt ở nơi thông thoáng dễ tản nhiệt vì nhiệt độ môi trường tại dàn nóng càng thấp thì hiệu suất càng cao.

Qua 3 phần hướng dẫn trên, các bạn cũng phần nào biết cái "muốn" của mình như thế nào rồi, đừng để anh bán hàng hay nhân viên tư vấn ở các TT điện máy nói  mà mình cảm thấy khó hiểu & phân vân trong sự lựa chọn.
Một số thương hiệu tốt thật sự:
_ Máy lạnh Zen nhập khẩu của Misubishi  thuộc loại tốt nhất thị trường hiện nay.
_ Sharp nổi tiếng về độ êm & chức năng làm mát dành cho trẻ em - Baby Sleep
_ Daikin với công nghệ tiên tiến của Nhật. Hiện nay, Daikin là thương hiệu được nhiều người biết đến & tin dùng.
Và còn nhiều thương hiệu khác có mặt trên thị trường máy lạnh ở Sài gòn, tùy khả năng tài chính cũng như ưa thích thương hiệu náo đó của bạn.
Chọn nơi mua
Mua tại các TT điện máy lớn ta có điều kiện tham khảo rất nhiều mẫu mã của các thương hiệu, so sánh từng loại với nhau. Quy mô của TT điện máy cũng là cơ sở để ta trao niềm tin. Có đầy đủ hóa đơn chứng từ để hỗ trợ vấn đề bảo hành về sau. Tuy nhiên, bạn sẽ thắc mắc giá của nó cao hơn ở các cửa hàng nhỏ bên ngoài vì TT điện máy phải chịu các chi phi lớn khác như thuê mặt bằng, nhân viên, quảng cáo...
Mua ở các cửa hàng nhỏ bạn phải chắc rằng bạn biết rõ "độ" uy tín của cửa hàng đó, dĩ nhiên, bạn cũng mua được giá rẻ hơn so với TT điện máy.
Chọn đơn vị lắp đặt
Mua được cái máy lạnh đắt tiền cao cấp rồi vẫn chưa đủ. Vì chất lượng vận hành của máy lạnh phụ thuộc vào tay nghề của đơn vị lắp đặt & vật tư đi kèm (dây điện, ống đồng...). Nên chọn đơn vị lắp đặt có nhân viên được đào tạo chuyên môn KT cao, tay nghề giỏi, có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng khi lắp đặt. Vì ngoài chất lượng của sản phẩm việc lắp đặt của thợ có tay nghề cao cũng rất quan trọng, nếu lắp đặt không đúng KT cũng làm máy hoạt động không êm ái, không mát...Mặt khác, nếu lắp sai quy tắc sẽ dẫn đến việc hư hỏng máy & việc tiết kiệm điện không như mong đợi. Tránh ham chọn giá lắp đặt & vật tự giá rẻ làm cho việc sử dụng không hiệu quả hoặc gây khó chịu về sau rất khó sửa chữa lổi lầm. Các TT điện máy luôn có đội ngũ đi lắp cho khách.
Những sai lầm khi dùng sai máy lạnh.
Rất nhiều người tưởng rằng chọn mức nhiệt độ càng thấp khi khởi động sẽ khiến máy chạy mạnh hơn & phòng mau mát hơn. Điều này chỉ đúng khi dùng máy lạnh Inverter, không đúng với phần lớn các loại máy lạnh thường hiện nay. Ngay cả khi dùng máy lanh có Inverter thì điều trên cũng chỉ đúng trong 1 giới hạn nhỏ mà thôi, máy chỉ có thể giảm bớt công suất chứ không thể tăng công suất quá khả năng của nó. Ví dụ: khi thấy trong phòng không mát, 1 người nào đó cầm lấy ngay remote và chọn xuống 16 độ! Họ không biết rằng công suất của máy lạnh là có hạn, nếu nó yếu hơn khả năng cần đáp ứng thì sẽ không đủ sức làm mát cho phòng, dù chọn chọn nhiệt độ 20 hay 16 cũng không cải thiện nhiệt độ như mong muốn. Nếu đã chọn máy phù hợp ngay từ đầu rồi, thì đây có thể là do lâu ngày không vệ sinh dàn nóng, bụi bẩn bám nhiều gây suy yếu độ lạnh.
Một cách dùng sai khác nữa là người dùng hay hạ nhiệt độ xuống thấp hơn để bù cho những nguồn nhiệt trong phòng. Ví dụ: trong phòng để 25 độ khi có ít người, thêm người hay thêm máy trong phòng thì chọn nhiệt độ 20 độ. Đúng ra người dùng không cần làm việc bù đó, máy lạnh sẽ tự động điều chỉnh bằng cách tự tăng công suất để giữ nhiệt độ trong phòng như mức điều chỉnh, chúng chạy máy nén nhiều hơn, thời gian nghỉ ít hơn.
Một số thợ điện lạnh khuyên người dùng tiết kiệm điện bằng cách chọn nhiệt độ thấp nhất! Họ giải thích rằng khi chọn nhiệt độ thấp nhất thì máy nén sẽ chạy liên tục với 1 cường độ dòng điện ổn định nên mức tiệu thụ điện cũng ổn định; nếu chọn nhiệt độ cao thì máy nén lúc chạy lúc nghỉ, mỗi lần chạy lại thì dòng điện khởi động lớn gấp 4-5 lần dòng điện bình thường nên rất hao điện! Nhưng thực tế dòng điện khởi động  chỉ cao trong 2-3 giây mà thôi, tính ra thì thời gian khởi động đó chỉ hao điện bằng 5-10 giây chạy bình thường, không đáng kể về việc tiêu thụ so với việc khi máy nén chạy kiên tục.
Vị trí lắp dàn lạnh quá cao cũng gây tốn điện. Khi máy lạnh chạy, nó sẽ làm mát phần không khí bên dưới nó, phần trên nó không được làm mát. Trong văn phòng hay nhà ở thì người ta chỉ cần làm mát từ độ cao từ sàn lên đến 1,5m là đủ cho người ngồi hay nằm đều mát. Những nhà có trền cao 3m hoặc hơn mà gắn máy lạnh gần sát trần sẽ bị hao điện vô ích. Về mặt độ cao thì máy lạnh loại đứng  hay cột là hợp lý nhất.
Nhãn tiết kiệm năng lượng
Khi mua ta nên chọn máy có dán nhãn "tiết kiệm năng lượng" màu xanh theo quy định hiện nay đối với thiết bị gia dụng. Máy lạnh dán nhãn này giúp ta nhận biết rõ hơn về sản phẩm tiết kiệm điện. Ở các TT điện máy lớn xuất hiện sản phẩm dán nhãn năng lượng trên máy lạnh khá nhiều.


Xu An Hi blog

Bài đăng ở đây là những cái mình thích, mong rằng bạn cũng tìm được món mình thích ở đây.

Blogroll

About

Flag Counter

Archives