Nhiếp ảnh studio "chơi đùa" cùng ánh sáng

Friday, May 2, 2014

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng vô cùng quan trọng, người ta hay nói nhiếp ảnh gia (NAG) là những người chơi đùa cùng ánh sáng. Bài này chia sẻ với các bạn nghiệp dư 1 số kinh nghiệm để có những tấm ảnh chân dung studio làm ta hài lòng.
Nghệ thuật nhiếp ảnh tồn tại 4 yếu tố để đánh giá nhiếp ảnh gia cũng như tác phẩm: học thuyết, kỹ thuật, kinh nghiệm & cảm xúc. Trong 4 yếu tố đó, kỹ thuật thường được chú trọng nhất và đó là đòi hỏi liên tục trong quá trình tác nghiệp. Kỹ thuật trong tác nghiệp nhiếp ảnh bao gồm phương pháp sử dụng & cách thức điều khiển thiết bị.
Ánh sáng tự nhiên & ánh sáng studio là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau. Ánh sáng tự nhiên chính là ánh sáng mặt trời & NAG buộc phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Ngược lại, trong studio, nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể sắp xếp và thay đổi tính chất của ông "mặt trời nhân tạo".

Kỹ thuật căn bản chụp ảnh trong Studio
Để hiểu về cách thức sử dụng ánh sáng trong studio, nhiếp ảnh chân dung sẽ giúp các NAG 1 cách hiệu quả hơn chụp sản phẩm. Các sản phẩm đồ vật khác nhau hoàn toàn về kích thước, hình dáng, chất liệu, khiến cho việc điều khiển ánh sáng cũng khác nhau hoàn toàn. Chân dung con người tuy khác nhau về sắc thái khuôn mặt nhưng đều chung 1 hình thể bao quát. Giống như mọi chủ đề sắp đặt, trước khi chụp chân dung, ta phải có mục tiêu hoặc 1 ý tưởng "bức chân dung này thể hiện điều gì?". Từ đó, các yếu tố kỹ thuật mới được sử dụng hợp lý để thể hiện được ý tưởng ban đầu.
Bước đầu tiên về kỹ thuật ta luôn setup chế độ Manual (M) trên máy ảnh. Về cơ bản trong môi trường ánh sáng được kiểm soát, ta nên sử dụng chế độ này. Đặc biệt, trong sudio thì đây là chế độ duy nhất có thể sử dụng.
ISO: độ nhạy sáng của sensor, ISO càng thấp ảnh càng mịn & tối, ISO càng cao ảnh càng nhiểu & sáng, với điều kiện các thông số còn lại đều giữ nguyên. Trong studio, ta luôn sử dụng ISO thấp nhất để có thể ảnh được mịn nhất. Không lo thiếu sáng vì công suất của đèn studio rất mạnh & được điều chỉnh dễ dàng.
Khẩu độ: không có con số chính xác cho khẩu độ trong studio. Tuy nhiên, đại đa số các ống kính hiện đại ngày nay, độ nét tốt nhất rơi vào khoảng f5.6 - f11. Nếu độ nét là quan trọng thì ta nên sử dụng khẩu độ trong khoảng này.
Tốc độ: tốc độ càng chậm ảnh càng sáng và chủ thể dễ bị nhòe, tốc độ càng nhanh ảnh càng tối & dễ bắt dính chủ thể chuyển động. Tuy nhiên, trong studio, tốc độ màn chập không tác động tới độ sáng tối của bức ảnh khi ta sử dùng đèn studio hay đèn speedlite. Khoảng tốc độ 1/125s - 1/200s thường được dùng trong studio
Ánh sáng: chân dung studio là 1 phạm trù rất lớn & bao gồm nhiều yếu tố khác nhau của ánh sáng. Trong đó, hướng đi của ánh sáng là 1 yếu tố tác động rất lớn đến thần thái & sắc thái của bức ảnh. Mặt trời đi từ đông sang tây, từ thấp lên cao, rồi lại xuống thấp. Trong studio, chúng ta có thể cho ánh sáng đi từ bất kỳ hướng nào với bất kỳ độ cao nào. Tuy nhiên, do ánh sáng tự nhiên luôn đi từ cao xuống thấp, mặt trời luôn tỏa nắng ở trên cao nên trong studio chúng ta cần tuân theo lẽ tự nhiên, không thể chiếu từ dưới lên trên. Tựu chung, nhiếp ảnh gia thường sử dụng 1 số hướng ánh sáng sau:
1/. Trực diện: như chính tên gọi của nó, ánh sáng này chiếu thẳng vào mặt nhân vật theo góc hoàn toàn trực diện. Những trường hợp cụ thể với ánh sáng trực diện như đèn flash cóc hay chụp hình thẻ. Hướng ánh sáng này không mang lại cảm giác tự nhiên. Để khắc phục điều đó, ta cần đưa đèn lên cao, tạo ra góc 45 độ, với nhân vật là đỉnh góc, đèn & thợ ảnh là 2 cạnh tam giác.


Ánh sáng trực diện
 
 2/. Chia cắt: ánh sáng này chia khuôn mặt người mẫu thành hai nửa, 1 nửa đen & 1 nửa trắng. Để tạo được hiệu ứng này, vị trí của đèn phải tạo được 1 góc vuông với thợ ảnh & nhân vật. Hiệu ứng ánh sáng này mang lại kịch tính cho nhân vật. Hướng ánh sáng này thường được sử dụng trong các bức ảnh chân dung poster của nhiều bộ phim hành động.
3/. Chéo góc: đèn sẽ được đặt ở vị trí 45 độ giữa nhiếp ảnh gia & nhân vật. Tùy vào độ cao, phần highlight trên mặt nhân vật có thể xuất hiện dưới dạng hình tam giác hoặc hình cầu. Nếu mặt nhân vật hướng vào nguồn sáng, mặt sẽ có cản giác gầy hơn & gọn hơn. Ngược lại, nếu quay ra khỏi nguồn sáng, mặt sẻ có cảm giác mập hơn.
Ngoài hướng đi của ánh sáng , cảm giác chung của những bức ảnh studio còn phụ thuộc rất nhiều vào sắc độ của phong nền. Theo nhiếp ảnh chân dung cổ điển, low-key & high-key là hai sắc thái chủ đạo. High-key là những bức ảnh được sử dụng phông trắng, với ít nhất 2 đèn chiếu thẳng vào phông. Ngược lại, low-key là những bức ảnh phông tối. Khi chụp những nhân vật mặc trang phục tối màu với phong cách low-key, nếu muốn tách mẫu ra khỏi phông đen ta có 2 cách:
- Chiếu đèn vào phông: cách làm này sẽ tạo ra 1 khoảng sáng trên phông & giúp tách nhân vật không bị quá chìm vào phông.
- Chiếu đèn vào gáy nhân vật: cách làm này tạo ra ánh sáng ven, đường viền sáng xung quanh nhân vật, giúp tách nhân vật khỏi phông. Lưu ý cách làm này phù hợp với mẫu nữ
Ánh sáng nghiêng & từ trên cao xuống
Thiết bị trong nhiếp ảnh Studio
Máy ảnh: để sử dụng trong studio, các máy ảnh phải có chế độ Manual để điều khiển được cả 3 thông số cơ bản. Ngoài ra, ống ngắm quang học cũng là yếu tố bắt buộc. Đối với các máy ảnh mirrorless, sau khi thiết lập các thông số trong studio như ISO 100, 1/200s, f8 với ánh sáng trong phòng rất tối, màn hình sẽ tối đen & nhiếp ảnh không thể nhìn thấy gì trên màn hình. Ngoài ra, máy ảnh phải có hotshoe để gắn được trigger
Đèn: trong các studio, các đèn công suất thấp nhất từ 200W được sử dụng. Thậm chí, công suất 1000W cũng được ưa chuộng. Tuy  nhiên, bên cạnh các đèn studio chuyên nghiệp, các đèn speedlite vẫn có thể đáp ứng các nhu cầu đơn giản.
Nếu không chụp thương mại cùng khách hàng, ta có thể dùng các đèn speedlight phổ biến như SB600 - 800 của Nikon hay 430EX - 580EX của Canon hoặc bất cứ loại đèn tương đương của các hãng khác. Mặc dù công suất yếu & thời gian hồi phục khoảng 3 giây, nhưng trong điều kiện nghiệp dư, chúng mang lại sự nhỏ gọn & tiện dụng tối đa. Các đèn này gặp khó khăn khi chụp chân dung nhóm hay hoặc chân dung toàn thân; còn lại, chân dung cận mặt & bán thân sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Phụ kiện khác: phổ biến nhất vẫn là những phụ kiện làm tăng diện tích nguồn sáng, làm mềm tính chất ánh sáng. Hiện nay, trên thị trường có loại softbox kích thước nhỏ dành cho đèn speedlight & cả chiếc dù tản sáng. Để tối ưu đèn speedlight cho mục đích phi thương mại & gọn nhẹ, các chiếc dù vẫn được ưu tiên nhiều hơn.
Phông nền: trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại phông nền với nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng phong cách cổ điển vẫn là màu trắng & xám. Màu trắng dùng cho high-key & xám cho low-key.
Cách chụp & rèn luyện: ta có thể bắt đầu luyện tập chụp với người thân của mình. Với những nhân vật không quen làm mẫu, ta nên chuẩn bị 2 phụ kiện cho họ. Thứ nhất: ghế ngồi, được ngồi nhân vật sẽ cảm thấy dễ chịu & thoải mái hơn. Thứ hai, một vật dụng cầm tay như túi, quyển sách...những vật dụng này giúp họ cảm thấy không bị lóng ngóng.

Bài viết được tổng hợp từ tạp chí yêu thích với ít nhiều công sức. Khi sử dụng vui lòng ghi rõ nguồn

Xu An Hi blog

Bài đăng ở đây là những cái mình thích, mong rằng bạn cũng tìm được món mình thích ở đây.

Blogroll

About

Flag Counter

Archives